Friday, April 11, 2014

Vi khuẩn HP (Helicobacter pylori) gây viêm dạ dày như thế nào?

Đau dạ dày là một chứng khá phổ biến ở nước ta, ngoài các nguyên nhân về chế độ ăn, hay áp lực làm việc, thì nguyên nhân do vi khuẩn HP gây viêm nhiễm được xem là nghiêm trọng hơn cả.

Helicobacter pylori (HP) là vi khuẩn gram (-) nuôi cấy trong môi trường gelose socolat hoặc gelose máu. Dưới kính hiển vi có dạng chữ S, dấu phẩy hoặc hình cung dài, một đầu có túm roi (3-5 roi). Vi khuẩn HP sống trong dạ dày, dưới lớp nhầy niêm mạc dạ dày, sát cạnh các tế bào biểu mô, không xâm nhập các mô. HP sống được trong môi trường axit ở dạ dày vì nó đòi hỏi ôxy ở mức độ rất thấp và sản xuất ra nhiều urease, urease sẽ chuyển ure thành amoniac làm cho môi trường sinh sống của HP trở thành kiềm. HP có nhiều men để giúp chúng tồn tại, phát triển và gây bệnh tại dạ dày như men urease: một loại men thủy phân ure (chất có sẵn trong dạ dày) thành ammoniac và từ đó tạo ra môi trường axit thích hợp cho vi khuẩn phát triển nhưng lại gây tổn thương loét cho niêm mạc dạ dày. Ngoài ra HP còn sản xuất ra catalase, protease, ngoại độc tố, các chất này gây bệnh cho niêm mạc dạ dày, làm tổn thương niêm mạc dạ dày, gây viêm dạ dày hoặc loét dạ dày tá tràng.

Vi khuẩn HP
Hình ảnh mô tả: Vi khuẩn HP gây viêm loét dạ dày


Ở một số người nếu vi khuẩn ở trong dạ dày thời gian dài nhiều năm có thể gây ung thư dạ dày. Vi khuẩn HP còn tồn tại trong bựa răng, nước bọt. Do đó có thể lây từ người này qua người khác do ăn uống chung.

Khoảng 65-85% bệnh nhân viêm loét dạ dày có nhiễm HP và khi dùng thuốc diệt HP thì phần lớn khỏi viêm loét. Nhiều nghiên cứu thực nghiệm cũng cho thấy HP là thủ phạm chính gây tổn thương niêm mạc dạ dày. Đã có hàng nghìn công trình nghiên cứu trên thế giới khẳng định, HP không chỉ gây viêm loét mà còn có vai trò trong nhiều bệnh lý khác ở dạ dày - hành tá tràng như rối loạn tiêu hóa không loét, u lympho ác tính, ung thư.

Ở giai đoạn sớm, ung thư dạ dày hầu như không có triệu chứng. Khi bệnh đã tiến xa, bệnh nhân thường cảm thấy khó chịu vùng thượng vị, cảm giác đầy bụng sau ăn, buồn nôn và ói mửa, sụt cân nhanh. Tuy nhiên, các dấu hiệu này không phải là triệu chứng đặc hiệu của ung thư nên bệnh nhân dễ nhầm lẫn với các bệnh khác ở dạ dày như viêm loét dạ dày hay rối loạn tiêu hóa nên khi bệnh được phát hiện thì ung thư đã di căn xa. Vì thế khi có các triệu chứng trên kéo dài, người bệnh nên đi khám để tìm nguyên nhân và điều trị càng sớm càng tốt.

0 nhận xét :

Post a Comment